[Lưu ý] – Mức phạt chậm nộp tờ khai và tiền thuế 2023

Phạt chậm nộp tờ khai thuế là biện pháp chế tài của cơ quan thuế khi doanh nghiệp để xảy ra việc nộp trễ các tờ khai thuế theo quy định. Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế đã được quy định cụ thể tại điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Nếu so sánh với các quy định về mức phạt nộp chậm tờ khai trước đó, khung phạt hiện hành đã được “gom gọn” với mức phạt cao hơn rất nhiều so với trước. Đặc biệt là các trường hợp chậm nộp tờ khai từ 1 – 10 ngày. Hôm nay, mời bạn cùng Mở Công Ty VN Song Kim tìm hiểu về mức phạt chậm nộp tờ khai theo quy định hiện hành.

Các loại tờ khai thuế doanh nghiệp phải nộp theo định kỳ

Việc đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ các loại tờ khai, thời gian nộp tờ khai theo định kỳ để tránh nộp thiếu, nộp chậm tờ khai. Các loại tờ khai phổ biến mà doanh nghiệp cần nộp, cụ thể như sau:

  • Tờ khai thuế GTGT – Nộp theo tháng hoặc quý, tùy từng trường hợp cụ thể
  • Tờ khai thuế TNCN – Nộp cùng thời điểm với tờ khai thuế GTGT
  • Báo cáo tài chính – Nộp theo năm
  • Tờ khai quyết toán thuế TNDN, tờ khai quyết toán thuế TNCN – Nộp theo năm

>>> Có thể bạn quan tâm: Thời hạn nộp tờ khai thuế 2023

Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế 2023

Mức phạt chậm nộp tờ khai

Căn cứ điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, quy định rõ mức phạt chậm nộp tờ khai thuế như sau:

“Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.”

>>> Dịch vụ do Song Kim cung cấp: dịch vụ thay đổi GPKD trọn gói

Cách tính phạt chậm nộp tờ khai

Cách tính phạt chậm nộp tờ khai

Căn cứ điểm d khoản 4 điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định mức phạt chậm nộp tờ khai thuế cụ thể như sau:

“d) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn và hành vi tại Điều 19 Nghị định này là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.”

Kết luận:

  • Khi doanh nghiệp chậm nộp tờ khai thuế, mức phạt tiền là mức trung bình cộng của khung phạt. Mức phạt tiền = (Mức nhỏ nhất + mức cao nhất)/2.
  • Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm 10%/tình tiết giảm nhẹ x mức phạt tiền
  • Nếu có tình tiết tăng nặng, thì tăng 10%/tình tiết tăng nặng x mức phạt tiền

Ví dụ phạt chậm kê khai thuế

Ví dụ 1: Công ty TNHH ABC nộp báo cáo thuế quý 2/2023 vào ngày 19/8/2023 (trễ hạn 19 ngày), không có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng. Mức phạt tiền của hành vi chậm nộp tờ khai thuế sẽ = 3.500.000đ ((2.000.000đ + 5.000.000đ)/2)

Ví dụ 2: Công ty Cổ phần DEF nộp tờ khai thuế quý 2/2023 vào ngày 20/08/2023 (trễ hạn 20 ngày), có 1 tình tiết tăng nặng do đã vi phạm lỗi nộp trễ tờ khai trước đó. Mức phạt tiền của hành vi này sẽ = 3.850.000đ . Trong đó, mức phạt chậm nộp tờ khai của hành vi này là: 3.500.000đ ((2.000.000đ + 5.000.000đ)/2). Tình tiết tăng nặng = 350.000đ (3.500.000đ x 10%)

Ví dụ 3: Trong quý 3/2022, công ty XYZ không phát sinh hóa đơn nên quên không nộp tờ khai trống. Đến ngày 06/ 04/2023, kế toán công ty phát hiện và nộp lại tờ khai trống (trễ hạn 151 ngày). Mức phạt chậm nộp tờ khai của hành vi này sẽ = 11.500.000đ ((8.000.000đ + 15.000.000đ)/2)

Ví dụ 4: Công ty TNHH GHI nộp tờ khai thuế quý 4/2022 vào ngày 06/05/2023 (trễ 95 ngày) và có phát sinh số thuế phải nộp là 10.000đ. Mức phạt chậm của hành vi này = 20.000.000đ ((15.000.0000đ + 25.000.000đ)/2)

Mức phạt chậm nộp nhiều tờ khai thuế

Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp do không nắm rõ luật quản lý thuế nên khi không phát sinh hóa đơn đã không kê khai thuế trong nhiều kỳ báo cáo liên tục. Việc này, dẫn đến việc chậm nộp nhiều tờ khai thuế. Vậy, mức phạt nộp chậm nhiều tờ khai thuế như thế nào?

Căn cứ điểm b khoản 3 điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có quy định

“b) Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.”

Kết luận: Khi chậm nộp nhiều tờ khai thuế cùng 1 sắc thuế, mức phạt chậm nộp tờ khai sẽ tính trên tờ khai trễ hạn lâu nhất (mức phạt cao nhất) + 10% tình tiết tăng nặng.

Ví dụ: Công ty cổ phần MNH không nộp tờ khai thuế GTGT quý 1, 2, 3/2022 và không phát sinh số thuế phải nộp. Đến ngày 06/04/2023, kế toán phát hiện ra việc chậm nộp tờ khai này và nộp lại 3 tờ khai cùng 1 ngày. Như vậy, mức phạt chậm nộp từ khai của hành vi này sẽ là:  13.800.000đ. Chi tiết mức phạt sẽ như sau: mức phạt chậm nộp tờ khai quý 1/2022 (trên 90 ngày, không phát sinh số thuế phải nộp) là: 11.500.000đ. Tình tiết tăng nặng do nộp trễ nhiều tờ khai: 2.300.000đ (11.500.000đ x 20%)

Cách tính tiền phạt chậm nộp thuế

Lãi chậm nộp thuế

Căn cứ khoản 1 điều 55 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì hạn nộp tiền thuế cũng chính là thời hạn nộp tờ khai thuế. Và lãi chậm nộp thuế đã được quy định tại điểm a, khoản 2 điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

“2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:

  1. Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;”

Kết luận: Công thức tính tiền lãi chậm nộp thuế = số tiền chậm nộp x số ngày chậm nộp x 0.03%/ngày

Ví dụ cách tính lãi chậm nộp thuế

Công ty TNHH ABC có nộp báo cáo thuế GTGT quý 4/2022 có phát sinh số thuế GTGT phải nộp là 1.000.000đ. Nhưng đến 02/03/2023 mới nộp số tiền thuế này vào ngân sách nhà nước. Như vậy, lãi chậm nộp tiền thuế sẽ phát sinh như sau: 1.000.0000đ x 30 ngày x 0.03%/ngày = 9.000đ

Tiểu mục phạt chậm nộp thuế đối với các loại thuế thông dụng

Khi đã xác định được số tiền phạt do chậm nộp tờ khai, chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nên nộp ngay tiền thuế, tiền phạt chậm nộp này. Tiểu mục ghi trên giấy nộp tiền sẽ như sau:

  • Tiểu mục nộp phạt vi phạm hành chính: tiểu mục 4254
  • Tiểu mục phạt chậm nộp thuế GTGT: tiểu mục 4931
  • Tiểu mục phạt chậm nộp thuế TNDN: tiểu mục 4918
  • Tiểu mục phạt chậm nộp lệ phí môn bài: tiểu mục 4944
  • Tiểu mục phạt vi phạm hành chính thuế TNCN: tiểu mục 4628
  • Tiểu mục chậm nộp thuế TNCN: tiểu mục 4917

>>> Có thể bạn quan tâm: Danh sách các tiểu mục nộp thuế thông dụng

Cách hạch toán tiền phạt chậm nộp thuế

Sau đây, Song Kim gởi đến các bạn đang phụ trách bộ phận kế toán thuế của doanh nghiệp cách hạch toán tiền phạt chậm nộp tiền thuế. Khi có xảy ra việc chậm nộp tờ khai, tiền thuế, kế toán thuế hạch toán như sau:

Nợ 811 – Chi phí khác

                Có 3339 – Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác

Khi doanh nghiệp nộp tiền phạt chậm nộp thuế, kế toán hạch toán như sau:

Nợ 3339

                Có 1111, 1112

Cuối kỳ, kế toán tiến hành kết chuyển như sau:

Nợ 911

                Có 811

Lưu ý: Khoản tiền phạt chậm nộp tiền thuế, tờ khai không được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.         

Câu hỏi về mức phạt chậm nộp tờ khai

Câu hỏi về phạt chậm nộp tờ khai
Hỏi: Thời hạn xử phạt chậm nộp tờ khai thuế là bao lâu?
Đáp: Thời hạn xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. (Căn cứ điểm a khoản 2 điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP
Hỏi: Doanh nghiệp không phát sinh hóa đơn, không nộp tờ khai thuế GTGT có bị phạt không?
Đáp: CÓ. Việc nộp tờ khai thuế GTGT theo định kỳ là bắt buộc, không phân biệt trong kỳ có phát sinh hay không phát sinh hóa đơn (Căn cứ điều 44 Luật quản lý thuế 2019)
Hỏi: Phải làm gì khi phát hiện việc nộp thiếu tờ khai thuế?
Đáp: Hãy nộp ngay tờ khai thuế còn thiếu để giảm thiểu mức phạt do chậm nộp tờ khai
Hỏi: Chậm nộp nhiều tờ khai thuế thì mức xử phạt như thế nào?
Đáp: Khi chậm nộp nhiều tờ khai thuế (cùng 1 loại thuế) bạn nên nộp chúng cùng 1 ngày. Khi đó, mức phạt chậm nộp nhiều tờ khai sẽ áp dụng mức phạt cao nhất (tờ khai trễ nhất) + tình tiết tăng nặng (Căn cứ khoản 1 điều 55 Luật quản lý thuế 2019)
Hỏi: Lãi chậm nộp tiền thuế được tính ra sao?
Đáp: Công thức tính lãi chậm nộp tiền thuế = số tiền thuế chậm nộp x 0.03%/ngày x số ngày chậm nộp
Hỏi: Lãi chậm nộp tiền thuế có phải là chi phí hợp lý (được trừ) của doanh nghiệp không?
Đáp: KHÔNG. Lãi chậm nộp tiền thuế không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Trên đây là tất cả các vấn đề liên quan đến mức phạt chậm nộp tờ khai theo quy định hiện hành. Dịch vụ mở công ty Song Kim hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Bài viết liên quan


    This will close in 0 seconds

    0986.23.26.29
    Chat Zalo